Di sản thừa kế
Cổng Hướng dẫn & Nộp đơn trực tuyến eCourts HIỆN CÓ các mẫu đơn về di sản thừa kế: Tiền cấp dưỡng hàng năm, hồ sơ xử lý nhanh hoặc xử lý khối di sản nhỏ
Đây là dịch vụ trực tuyến miễn phí giúp người sử dụng chuẩn bị các hồ sơ nộp cho tòa án trong một số loại vụ án.
Tổng quan
Người nhà (hay bạn) của tôi mới qua đời. Các tài sản và khoản nợ của người thân cận của tôi sẽ được xử lý như thế nào?
Khi ai đó qua đời, một phần hay tất cả tài sản của họ có thể được chuyển trực tiếp cho những người khác nếu họ đã sắp xếp điều này một cách hợp pháp trước khi chết. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mà tòa án phải chỉ định người đại diện cho người đã mất để thu thập tài sản, thanh toán nợ hợp lệ và phân phối tài sản của người đã mất cho những người có quyền thừa kế.
“Người đã mất” (decedent) và “di sản” (estate) là gì?
“Người đã mất” là người qua đời. “Di sản” là toàn bộ số tiền và các tài sản khác được sở hữu bởi người đó vào lúc chết. Khối di sản có thể lớn hay nhỏ, có thể có hay không bao gồm đất đai.
“Di chúc” (will), hay còn gọi là “di chúc cuối cùng” (last will and testament) là gì?
“Di chúc” (đôi khi được gọi là “di chúc cuối cùng”) là một phương tiện pháp lý được tạo lập khi còn sống để chỉ định người thừa kế tài sản sau khi qua đời. Di chúc thường là một văn bản đánh máy do luật sư soạn thảo nhưng trong một số trường hợp, các di chúc viết tay (và trường hợp hiếm gặp hơn là di chúc bằng lời nói) có thể được chấp nhận là hợp pháp. Đôi khi di chúc bị cho là không hợp pháp vì không đáp ứng các yêu cầu pháp lý của một di chúc hợp pháp. Di chúc phải thông qua thủ tục chứng thực của tòa án (thường là thực hiện bởi Lục sự Tòa án Thượng thẩm) thì mới có hiệu lực pháp lý.
"Chứng thực” (probate) có nghĩa là gì?
Thuật ngữ “chứng thực” có hai ý nghĩa chính. Từ “chứng thực” được sử dụng để chỉ thủ tục xử lý di sản, hay còn gọi là “quá trình chứng thực di sản thừa kế”. Còn “thủ tục chứng thực” hoặc “chứng thực di chúc” nói về thủ tục theo đó tòa án xác nhận rằng di chúc được đệ trình thực sự là di chúc phản ánh ý nguyện cuối cùng của người đã mất và có giá trị hợp pháp để chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho người thừa kế.
“Quản lý di sản” (estate administration) là gì?
Quản lý di sản là quá trình xử lý các tài sản và khoản nợ của người qua đời. Một số khối di sản cần được quản lý theo thủ tục “quản lý toàn phần”. Nhiều khối di sản nhỏ có thể được quản lý theo thủ tục đơn giản hơn. Trừ phi người qua đời đã có những sắp xếp hoàn chỉnh trước khi chết để xử lý di sản theo cách khác với thủ tục quản lý di sản thông qua tòa án thì tòa án sẽ giám sát việc quản lý di sản, thường là do văn phòng Lục sự của Tòa án Thượng thẩm phù hợp thực hiện. Trong thủ tục quản lý toàn phần, Lục sự Tòa án Thượng thẩm ủy quyền cho đại diện cá nhân của người đã mất và người đó sẽ kiểm kê tài sản của người đã mất, thông báo công khai cho các chủ nợ và thanh toán các khoản nợ hợp pháp của người đã mất, sau đó phân chia tài sản còn lại cho (những) người được chỉ định thụ hưởng di sản trong di chúc của người đã mất, nếu có, hoặc cho (những) người có quyền thừa kế theo luật nếu không có di chúc.
Các loại tài sản nào thường phải thông qua quá trình quản lý di sản?
Các tài sản như xe hơi, tài khoản ngân hàng, cổ phần, trái phiếu, đồ đạc và trang sức thường được xử lý thông qua quá trình quản lý di sản nhưng cũng có một số ngoại lệ. Các tài sản được xử lý qua thủ tục quản lý này được gọi là “di sản chứng thực” (probate assets). “Di sản không chứng thực” (non-probate assets) có thể được chuyển giao mà không cần qua thủ tục này, bao gồm:
- Tài sản được sở hữu theo hình thức “quyền kiêm hưởng” (right of survivorship, có nghĩa là tài sản được chuyển cho một chủ sở hữu chung còn sống), hoặc tài sản có chỉ định một người thụ hưởng còn sống. Các tài sản như vậy có thể bao gồm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tài khoản hưu trí, tài khoản ngân hàng chung và hợp đồng niên kim.
- Đất đai và nhà cửa thường không phải thông qua quá trình chứng thực di sản trừ phi điều này được quy định trong di chúc hoặc các tài sản này cần phải bán đi để thanh toán nợ của người đã mất.
Trường hợp mất đi không để lại di chúc (intestacy) được xử lý thế nào?
Luật pháp về trường hợp không để lại di chúc quy định cách phân chia tài sản nếu người đã mất không có di chúc hợp pháp. Hầu hết những người lập di chúc đều để lại tài sản cho người bà con gần, do đó luật pháp về các trường hợp không để lại di chúc cũng phân chia tài sản giống như vậy. Nếu một người qua đời mà không để lại di chúc thì di sản có thể được phân chia giữa vợ/chồng và con cái còn sống (hoặc vợ/chồng và cha mẹ nếu không có con), tùy thuộc vào giá trị và loại hình tài sản. Nếu người đã mất có con, cháu, chắt v.v. nhưng không có vợ/chồng thì tài sản sẽ được phân chia giữa con cái hoặc giữa con cháu của người con nào đã mất. Nếu người đã mất không có vợ/chồng hoặc con cháu thì di sản thường được phân chia giữa các thành viên gia đình theo thứ tự ưu tiên sau đây: 1) cha mẹ; 2) anh chị em và con cháu của anh chị em đã mất; 3) ông bà; 4) cô chú, dì cậu và con cháu của họ nếu họ đã mất.
“Ủy thác” (trust) là gì?
Ủy thác là một mối quan hệ pháp lý trong đó một cá nhân hay tổ chức đứng tên sở hữu tài sản vì lợi ích của một cá nhân hay tổ chức khác. Trong hầu hết các trường hợp ủy thác, điều kiện ủy thác được chỉ định trong một văn bản được gọi là giấy ủy thác. Ủy thác được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ngoại trừ ủy thác di chúc, hầu hết các loại giấy ủy thác không cần đệ nộp cho tòa. Ủy thác di chúc (testamentary trust) là ủy thác được lập theo chỉ định viết trong di chúc. Ủy thác di chúc thường được sử dụng để quản lý tài sản để lại cho một đứa trẻ cho đến khi trẻ đạt đến độ tuổi nhất định cũng như đôi khi được sử dụng cho trẻ em hay người lớn bị khuyết tật mà có thể mất nguồn trợ cấp chính phủ tính theo nhu cầu nếu họ sở hữu tài sản vượt mức giá trị cho phép.
“Người thi hành di chúc” (executor), “người quản lý tài sản” (administrator), “đại diện cá nhân” (personal representative) và “người thụ ủy” (trustee) là gì?
Người thi hành di chúc, quản lý tài sản, đại diện cá nhân và thụ ủy đều là tên gọi cho những người “nhận ủy thác” (fiduciary). Người nhận ủy thác là một người được tin tưởng và ủy quyền để quản lý tài sản vì lợi ích của một người khác. “Người thi hành di chúc” là người nhận ủy thác theo chỉ định trong di chúc và được tòa án chấp nhận việc ủy quyền. “Người quản lý tài sản” là người nhận ủy thác theo lệnh của tòa khi người đã mất không để lại di chúc. “Đai diện cá nhân” là thuật ngữ chung được sử dụng để chỉ cả người thi hành di chúc và người quản lý tài sản. “Người thụ ủy” là người nhận ủy thác theo giấy ủy thác.
“Người thừa kế theo luật” (heir), “người thừa kế động sản” (legatee), “người thụ hưởng” (beneficiary) và “người thừa kế bất động sản” (devisee) là gì?
Đây là các thuật ngữ pháp lý nói về những người nhận tài sản từ khối di sản hoặc thông qua giấy ủy thác hay hợp đồng phân chia tài sản của người đã mất. Về mặt pháp lý, các thuật ngữ này có ý nghĩa khác nhau căn cứ vào loại hình thừa kế tài sản: “người thừa kế động sản” và “người thừa kế bất động sản” là những từ để chỉ người nhận tài sản theo di chúc; “người thừa kế theo luật” là từ để chỉ người nhận tài sản khi không có di chúc; và “người thụ hưởng” là từ để chỉ người nhận tài sản theo giấy ủy thác hoặc từ một tài khoản hay hợp đồng mà có thể chỉ định người thụ hưởng cụ thể.
Theo luật pháp, việc tổ chức cuộc họp để đọc di chúc có phải là bắt buộc không?
Không. Luật pháp North Carolina không bắt buộc việc tổ chức cuộc họp chính thức để đọc di chúc.
Làm thế nào để tôi có được bản sao di chúc sau khi người thân cận của tôi qua đời?
Sau khi một người qua đời, di chúc của họ có thể được nộp cho lục sự tòa án. Di chúc của người đã mất sẽ được coi là hồ sơ công khai khi được nộp cho lục sự tòa án sau khi người đó qua đời. Mọi người đều có thể xem các hồ sơ công khai hoặc yêu cầu bản sao hồ sơ công khai với một khoản phí.
Trong tòa án, ai là người đưa ra quyết định về việc quản lý di sản?
Lục sự Tòa án Thượng thẩm được bầu lên cho mỗi quận/hạt là người đóng vai trò như là thẩm phán chủ trì các thủ tục chứng thực di chúc và di sản thừa kế ở North Carolina. Lục sự dân bầu cùng với phụ tá lục sự sẽ tổ chức hầu hết các phiên tòa và chủ trì hầu hết các vụ án liên quan đến di sản thừa kế. Nếu có tranh chấp về tính hợp pháp của di chúc thì phiên tòa xét xử tranh chấp di chúc sẽ được chủ trì bởi một thẩm phán của Tòa án Thượng thẩm.
Nộp hồ sơ
Làm thế nào để khởi sự thủ tục quản lý di sản?
Đây là thời điểm mà những người muốn có luật sư thường thuê luật sư để lo thủ tục quản lý di sản. Cho dù quý vị đang chuẩn bị để họp với luật sư hoặc đã quyết định tự lo liệu thủ tục quản lý di sản thì vẫn có một số tài liệu cần thu thập và công việc cần thực hiện.
- Tìm di chúc. Di chúc thường được cất giữ ở nơi an toàn như là két sắt, hộp ký gửi an toàn tại ngân hàng hoặc ngăn kéo có khóa. Đôi khi di chúc được lưu giữ tại văn phòng luật sư của người đã mất. Trước khi qua đời, người lập di chúc cũng có thể đã nộp di chúc cho lục sự tòa án để được “giữ gìn an toàn”. Nếu quý vị không tìm thấy được di chúc, hãy nghĩ đến việc liên lạc với lục sự tòa án ở các quận/hạt nơi người lập di chúc đã từng sống.
- Giấy chứng tử. Quý vị sẽ được yêu cầu trình nộp bằng chứng chính thức về cái chết ở vài bước khác nhau trong quá trình chứng thực, và bằng chứng thông dụng nhất là giấy chứng tử được chứng nhận sao y bản chính.
- Tìm kiếm và xác định tài sản. Trong phạm vi có thể được, người muốn quản lý di sản của người đã mất cần nỗ lực tìm kiếm và xác định các tài sản để lại. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong nhiều trường hợp quý vị sẽ cần có thư ủy quyền từ lục sự tòa án mới có thể tiếp cận được thông tin về tài sản của người đã mất.
- Liên lạc với văn phòng Lục sự Tòa án. Khi quý vị đã chuẩn bị sẵn sàng để quản lý di sản của người đã mất, hãy liên lạc với văn phòng Lục sự Tòa án ở quận/hạt phù hợp của North Carolina.
Hồ sơ quản lý di sản cần được nộp ở đâu?
Hồ sơ quản lý di sản của một cư dân North Carolina có thể được nộp tại quận/hạt mà người đó đang thường trú vào lúc qua đời. Nếu người đã mất không thường trú ở North Carolina vào lúc qua đời thì hồ sơ quản lý di sản có thể được nộp ở bất kỳ quận/hạt nào của North Carolina nơi mà bất kỳ bất động sản hay tài sản nào thuộc khối di sản của họ đã được để lại hoặc được đưa đến. Nếu một tài xế không thường trú bị chết ở bất kỳ quận/hạt nào của North Carolina thì hồ sơ quản lý di sản có thể được nộp ở bất kỳ quận/hạt nào của North Carolina.
“Thư bổ nhiệm người thi hành” (letters testamentary) hoặc “thư bổ nhiệm người quản lý” (letters of administration) là gì?
Thư bổ nhiệm người thi hành và thư bổ nhiệm người quản lý là các văn bản pháp lý do lục sự tòa án ban hành để ủy quyền cho một người làm đại diện cá nhân đối với một khối di sản. Các tổ chức như ngân hàng hay công ty bảo hiểm thường sẽ yêu cầu được xem thư bổ nhiệm này trong quá trình quản lý di sản. Nói chung thì có hai loại thư bổ nhiệm cơ bản, tùy theo việc khối di sản có di chúc hoặc không có di chúc. Nếu có di chúc thì thư bổ nhiệm được gọi là “thư bổ nhiệm người thi hành” và được cấp cho người thi hành di chúc. Nếu không có di chúc thì thư bổ nhiệm được gọi là “thư bổ nhiệm người quản lý” và được cấp cho người quản lý tài sản.
Tôi cần làm gì để khởi sự quá trình quản lý di sản và yêu cầu được cấp thư bổ nhiệm?
Để chính thức bắt đầu quá trình quản lý di sản, quý vị cần đến văn phòng Lục sự Tòa án ở quận/hạt phù hợp. Một số lục sự tòa án cho phép khách hàng ghé vào bất kỳ lúc nào trong khi một số lục sự khác yêu cầu phải lấy hẹn trước. Quý vị cần mang theo: (1) di chúc, nếu có; (2) giấy chứng tử được chứng nhận sao y bản chính; (3) mẫu yêu cầu và bản kiểm kê sơ bộ tài sản của người đã mất; và (4) 120 đô la để trả lệ phí nộp hồ sơ. Quý vị có thể lấy các mẫu cần thiết từ văn phòng Lục sự Tòa án hoặc in ra từ trang web này. Để có thể điền đầy đủ bản kiểm kê sơ bộ và mẫu yêu cầu thư bổ nhiệm, quý vị sẽ cần biết thông tin tổng quát về tài sản của người đã mất cũng như có khả năng xác định những người có quyền thừa kế.
Ai có thể được cấp thư bổ nhiệm người thi hành hoặc thư bổ nhiệm người quản lý?
Một số người sẽ không hội đủ điều kiện theo luật pháp để làm đại diện cá nhân cho di sản của một người đã mất. Ngoài ra, luật pháp cũng quy định rằng một số người có quyền ưu tiên được làm đại diện cá nhân. Nếu có di chúc hợp pháp thì người thi hành được chỉ định trong di chúc sẽ có quyền ưu tiên đầu tiên để được nhận thư bổ nhiệm. Nếu người thi hành đó không hội đủ điều kiện thì người thi hành thay thế hay kế nhiệm được chỉ định trong di chúc sẽ có quyền ưu tiên tiếp theo. Nếu di chúc không chỉ định người thi hành thay thế hay kế nhiệm, hoặc nếu người đã mất không để lại di chúc, thì thứ tự ưu tiên cho những người có thể được cấp thư bổ nhiệm là như sau: (1) vợ/chồng còn sống, (2) bất kỳ người nào được chỉ định thừa kế tài sản theo di chúc, (3) bất kỳ người nào sẽ có quyền thừa kế tài sản nếu không có di chúc, (4) bất kỳ người thân nào, (5) các chủ nợ của người đã mất, (6) bất kỳ người nào có đủ tư cách đạo đức và đang sống trong quận/hạt đó.
Tiền bảo lãnh của đại diện cá nhân là gì và là bao nhiêu?
Những người thi hành di chúc mà cư trú bên ngoài tiểu bang thường phải đóng tiền bảo lãnh cho tòa án để bảo vệ cho chủ nợ và người thừa kế trong trường hợp xảy ra tổn thất. Người quản lý di sản cũng phải đóng tiền bảo lãnh, trừ phi họ thuộc một trường hợp ngoại lệ.
Quá trình quản lý
Tôi đã nhận được thư bổ nhiệm và mở hồ sơ quản lý di sản. Bây giờ thì sao?
Quý vị có thể tìm thông tin tóm tắt về các thủ tục dành cho người thi hành di chúc, người quản lý tài sản, người thu thập tài sản theo lời khai hữu thệ và người sử dụng thủ tục xử lý nhanh tại dây.
Nếu sau khi đóng hồ sơ quản lý di sản tôi lại phát hiện ra các tài sản chưa được xử lý, liệu tôi có thể làm gì được không?
Có. Hồ sơ quản lý di sản có thể được mở lại trong một số trường hợp, bao gồm khi phát hiện ra các tài sản mới.
Khối di sản nhỏ hoặc đơn giản
Có phải tất cả các khối di sản đều phải thông qua quá trình quản lý di sản toàn phần không?
Không. Các khối di sản nhỏ hơn có thể được quản lý bằng cách lập Bản khai Hữu thệ Yêu cầu Thu thập Tài sản Cá nhân của Người đã mất. Thủ tục thu thập tài sản theo lời khai hữu thệ được tóm tắt tại đây. Cũng có thủ tục đơn giản hơn dành cho các khối di sản mà người vợ/chồng sẽ thừa kế toàn bộ tài sản hoặc khi giá trị di sản chỉ đủ để trang trải các chi phí tang lễ và chôn cất. Cũng có thể có sẵn các lựa chọn khác trong việc xử lý khối di sản nhỏ, tùy theo từng hoàn cảnh.
Nếu tôi là vợ/chồng còn sống đồng thời là người thừa kế duy nhất thì sao?
Có thể quý vị hội đủ điều kiện sử dụng thủ tục thu thập tài sản theo lời khai hữu thệ. Quý vị cũng có thể yêu cầu sử dụng thủ tục xử lý nhanh, một thủ tục đơn giản hóa quá trình quản lý di sản dành cho các trường hợp mà người thừa kế duy nhất là vợ/chồng còn sống. Lựa chọn này có sẵn bất kể người đã mất có để lại di chúc hay không. Quý vị có thể tìm các mẫu đơn cần thiết để mở hồ sơ xử lý nhanh tại đây đối với các khối di sản có di chúc và tại đây đối với các khối di sản không có di chúc.